Lịch sử Bắc_Giang_(thành_phố)

Phần nội dung này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. Mời bạn giúp hoàn thiện bài viết này bằng cách bổ sung chú thích tới các nguồn đáng tin cậy. Các nội dung không có nguồn có thể bị nghi ngờ và xóa bỏ. (tháng 11 năm 2013)

Thành phố Bắc Giang là địa danh lịch sử, xưa thuộc Bộ Vũ Ninh... Trấn Kinh Bắc - là trấn thứ tư, trong bốn kinh trấn và đứng đầu phên dậu phía Bắc của quốc gia Đại Việt, có vị trí quân sự trọng yếu gắn liền với chiến thắng Xương Giang vẻ vang, muôn thuở còn truyền do nghĩa quân Lam Sơn - Nguyễn Trãi chỉ huy, tiêu diệt hoàn toàn 10 vạn quân viện binh do Liễu Thăng chỉ huy đã kết thúc 20 năm đô hộ của triều đại phong kiến nhà Minh; bên cạnh đó còn là một trong những trung tâm kinh tế - văn hoá được hình thành và phát triển từ thời kỳ đầu Công Nguyên; từng là phủ lỵ Lạng Giang (thành Châu Xuyên, xã Dĩnh Uyên - Tân Tiến), Bảo Lộc (thành Thọ Xương), huyện lỵ Phượng Nhỡn (xã Dĩnh Uyên-nay là 6 thôn của xã Tân Tiến và thôn Lường của Dĩnh Kế).

Dưới thời Pháp thuộc, ngày 11 tháng 7 năm 1888 đơn vị hành chính "Phủ Lạng Thương" ra đời.

Ngày 10 tháng 10 năm 1888, tỉnh Bắc Giang được thành lập, Phủ Lạng Thương trở thành tỉnh lỵ tỉnh Bắc Giang. Từ một căn cứ quân sự, Phủ Lạng Thương đã trở thành một đô thị với nhiều phố lớn, nhà ga, bến cảng, khách sạn, bưu điện, câu lạc bộ, trường học, công viên, sân vận động,...

Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Phủ Lạng Thương là một trong những địa phương sớm khởi nghĩa và giành chính quyền (ngày 17-8-1945).

Từ năm 1959 thị xã Phủ Lạng Thương đổi tên là thị xã Bắc Giang; đồng thời, chuyển xã Thọ Xương thuộc huyện Lạng Giang về thị xã Bắc Giang quản lý.

Từ năm 1962, tỉnh Hà Bắc được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, thị xã Bắc Giang là thị xã tỉnh lỵ của tỉnh này.[4]

Ngày 22 tháng 4 năm 1964, thành lập xã Đa Mai trên cơ sở tách một phần đất xã Song Mai thuộc huyện Việt Yên.[5]

Sau năm 1975, thị xã Bắc Giang có 5 phường: Lê Lợi, Minh Khai, Ngô Quyền, Nhà Máy Phân Đạm, Trần Phú và 2 xã: Đa Mai, Thọ Xương.

Ngày 3 tháng 5 năm 1985, chuyển xã Song Mai thuộc huyện Việt Yên và xã Dĩnh Kế thuộc huyện Lạng Giang về thị xã Bắc Giang.[6]

Ngày 29 tháng 8 năm 1994, phường Nhà Máy Phân Đạm đổi tên thành phường Trần Nguyên Hãn; phường Minh Khai đổi tên thành phường Mỹ Độ.

Từ năm 1997, sau khi chia tách tỉnh Hà Bắc thành 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, thị xã Bắc Giang trở lại là tỉnh lỵ của tỉnh Bắc Giang.[7]

Ngày 11 tháng 5 năm 1999, chia xã Thọ Xương thành phường Thọ Xương và xã Xương Giang, thành lập phường Hoàng Văn Thụ trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Lê Lợi và xã Dĩnh Kế.[8] Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, thị xã Bắc Giang đã có những bước phát triển nhanh về mọi mặt xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, kỹ thuật của tỉnh và là một trong những trung tâm chuyên ngành cấp vùng.

Tháng 12 năm 2003, thị xã Bắc Giang đã được công nhận là đô thị loại III.

Thị xã Bắc Giang trở thành thành phố Bắc Giang theo Nghị định Chính phủ số 75/2005/NĐ-CP ngày 7 tháng 6 năm 2005.[9]

Khi thành lập, thành phố Bắc Giang có 32,21 km² diện tích tự nhiên, 126.810 nhân khẩu, và có 11 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 7 phường: Hoàng Văn Thụ, Lê Lợi, Mỹ Độ, Ngô Quyền, Thọ Xương, Trần Nguyên Hãn, Trần Phú và 4 xã: Đa Mai, Dĩnh Kế, Song Mai, Xương Giang.

Ngày 27 tháng 9 năm 2010, Chính phủ ban hành nghị quyết số 36/NQ-CP, điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Lạng GiangYên Dũng để mở rộng địa giới hành chính thành phố Bắc Giang. Theo đó, các xã được chuyển vào thành phố Bắc Giang bao gồm: xã Dĩnh Trì (huyện Lạng Giang), 4 xã Song Khê, Tân Mỹ, Tân Tiến, Đồng Sơn (huyện Yên Dũng).[10]

Ngày 31 tháng 12 năm 2013, Nghị quyết 140/NQ-CP của Chính phủ thành lập 3 phường Xương Giang, Dĩnh Kế, Đa Mai trên cơ sở các xã có tên tương ứng. [1]

Ngày 3 tháng 12 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 2168/QĐ-TTg công nhận thành phố Bắc Giang là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bắc Giang.[11]

Trong chiến đấu và xây dựng đất nước, Thành phố Bắc Giang đã có hàng ngàn lượt tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý. Trong đó Thành phố được tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ", Huân chương lao động hạng Nhì trong thời kỳ đổi mới; 5 phường, xã được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ"; phong tặng và truy tặng 26 danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Thành phố đã 4 lần vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, làm việc với tỉnh và Thành phố (năm 1955, 1959, 1961 và 1963).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bắc_Giang_(thành_phố) http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://www.bacgiangcity.gov.vn/chuyenmuc/chitietch... http://ibst.vn/DATA/nhyen/QCVN%2002-2009%20BXD%20S... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-d... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-d... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-quyet-140-N... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-quyet/Nghi-... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-quyet/Nghi-... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-quyet/Nghi-... http://thuvienphapluat.vn/archive/Quyet-dinh/Quyet...